Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh khiến các bậc phụ huynh lo lắng, xã hội băn khoăn. Tại thị trấn Phố Châu, mặc dù luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền các cấp nhưng 2 năm gần đây vẫn xảy ra tai nạn đuối nước, để lại nỗi đau và sự mất mát không gì bù đắp được cho các gia đình.
Tai nạn đuối nước để lại nỗi đau và sự mất mát không gì bù đắp được cho các gia đình
Nguy cơ đuối nước luôn rình rập trẻ em ở khắp mọi nơi, nhất là về mùa hè, trời nắng nóng, các em được nghỉ học, tham gia vào nhiều hoạt động vui chơi tự do. Thị trấn Phố Châu với đặc điểm địa bàn có cả khe suối, ao hồ, sông. Thời gian qua, trên địa bàn cũng đã xảy ra các vụ tử vong trẻ em do đuối nước. Để giảm thiểu các vụ đuối nước vào mùa hè, thị trấn Phố Châu đã có nhiều hoạt động như: Đẩy mạnh tuyên truyền cảnh báo nguy cơ tai nạn đuối nước, tích cực phối hợp với gia đình, nhà trường để quản lý các em; khuyến khích tạo điều kiện để các em học bơi, rèn luyện kỹ năng cấp cứu khi bị đuối nước...
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở những trẻ em, nhưng phần lớn vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại, bên cạnh đó hệ thống sông, suối, ao, hồ, vũng nước… cũng là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ. Cùng với đó hoạt động dạy bơi cho học sinh còn gặp nhiều khó khăn.
Để hạn chế thấp nhất những cái chết thương tâm do đuối nước. Ngay lúc này, khi mà nắng nóng đầu mùa đã bắt đầu, ngoài những kiến thức và kỹ năng được trang bị tại nhà trường thì các bậc phụ huynh, nhà trường, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao kỹ năng, ý thức phòng chống đuối nước cho các em. Bên cạnh đó, cần dựng các biển báo, biển cấm tại những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, hạn chế tối đa nhất những cái chết thương tâm, đau lòng đến với con trẻ.
Ngoài ra, về phía gia đình, cha mẹ, người giám sát trẻ cần hướng dẫn và xác định những yếu tố nguy cơ đuối nước cho trẻ như những địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cho trẻ (giếng, ao hồ, sông suối...); xây dựng các rào chắn bằng tre, gỗ, đậy nắp an toàn ngăn trẻ tiếp cận các nguồn nước mở… Để bảo vệ trẻ khỏi tai nạn đuối nước, trẻ cần được giám sát bởi cha mẹ, người lớn.
Phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không chỉ của riêng ai, mà nó là trách nhiệm của toàn xã hội, cần được triển khai với các giải pháp đồng bộ như: sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện các biện pháp tuyên truyền hội viên, đoàn viên của mình trong giáo dục, nhắc nhở con em về ý thức phòng, chống đuối nước; các cơ quan thông tin đại chúng cần có các biện pháp thông tin, giáo dục về phòng chống đuối nước trẻ em đến rộng rãi các tầng lớp nhân dân; gia đình và nhà trường cần trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, nâng cao ý thức rèn luyện kỹ năng cứu hộ đuối nước của người lớn. Tăng cường công tác quản lý, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, đoàn thanh niên các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức các lớp sinh hoạt hè, lớp dạy bơi thu hút các em học sinh tham gia.